Cháy nắng, bỏng da do tiếp xúc với nắng cường độ cao hay không biết lựa chọn kem chống nắng đúng cách đều có thể dẫn đến ung thư da.
Ung thư da là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Do vậy, nhất là vào mùa Hè nắng gắt đỉnh điểm hiện tại, bạn nên hiểu rõ về ung thư da cũng như có chế độ chăm sóc da cẩn thận. Từ những nốt ruồi lạ mới xuất hiện trên cơ thể cho đến tìm hiểu kỹ về các loại kem chống nắng, những điều này bạn nên biết để có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư da cho bản thân.
Dưới đây là trình tự bảy bước bạn có thể thực hiện theo để ngăn ngừa ung thư da.
1. Ngừa ung thư da bằng cách để ý những nốt ruồi trên cơ thể
Nốt ruồi được hình thành bởi một cụm các tế bào Melonocyte chứa sắc tố và thường vô hại. Ung thư hắc tố Melanoma là một trong những loại ung thư da nguy hiểm nhất và phổ biến nhất mà phát sinh ở những nốt ruồi đang tồn tại trên cơ thể. Những điều bạn cần phải lưu ý bao gồm: sự thay đổi (về kích thước và màu sắc) và phát triển các nốt ruồi hiện tại và nốt ruồi mới, đặc biệt là những nốt ruồi phẳng trước đây đang nổi cộm lên da. Chảy máu, châm chích, lở loét hay tăng kích thước nốt ruồi hay các nốt khác nói chung cũng đều là những dấu hiệu nghiêm trọng có liên quan đến ung thư da và cần phải được chuẩn trị kịp thời.
Hắc tố Melanoma rất thường bị nhầm lẫn với nốt ruồi vô hại. Chính vì vậy, nếu bạn phát hiện một nốt đen đơn lẻ (đường kính lớn hơn 6mm) đang từ từ lớn dần và phát triển theo chiều hướng tiêu cực, hãy mau chóng đến gặp bác sĩ da liễu.
2. Ngừa ung thư da bằng cách theo dõi sự thay đổi của cơ thể
Nếu cơ thể có nhiều nốt ruồi thì rất khó để chú ý và phát hiện những thay đổi bất thường bằng mắt thường. Dù vậy, bạn cũng nên cố gắng theo dõi những dấu hiệu bất thường trên cơ thể bằng cách thủ công tương tự như trên. Thông qua bản đồ nốt ruồi để chụp lại những nốt ruồi, phân tích và lưu trữ dữ liệu trong khoảng thời gian đều đặn.
3. Ngừa ung thư da bằng cách chú ý đến tai và mắt
Tuyệt đối không nên lơ là việc chăm sóc và bảo vệ vùng da dễ tổn thương mà thường xuyên tiếp xúc với nắng mặt trời gay gắt như mang tai và mắt. Ung thư tế bào đáy (Basal cell carcinoma) – thường phát triển ở xung quanh mắt và mũi- cũng là một trong những loại ung thư da nguy hại và phổ biến. Hay ung thư tế bào vảy (Squamous cell carcinoma), dù ít gặp nhưng cũng là một loại ung thư da nguy hiểm, thường xuất hiện ở chóp tai và môi trong bộ dạng gồ ghề rồi lở loét dần.
4. Ngừa ung thư da bằng cách tìm hiểu khả năng mắc bệnh của bản thân
Bất kì ai cũng có nguy cơ mắc ung thư da và tỉ lệ này sẽ gia tăng theo tuổi. Da trắng, mắt xanh, cơ thể có nhiều nốt ruồi đen, thường xuyên tiếp xúc với nắng cháy da (đặc biệt lúc nhỏ đã tiếp xúc nhiều với nắng gay gắt) và gia đình có người mắc ung thư da là nhóm người có nguy cơ mắc ung thư da cao nhất.
5. Ngừa ung thư da bằng cách trang bị kiến thức về tác hại của tia UV
Phơi nhiễm với ánh nắng mặt trời (chứa số lượng tia cực tím ở mức độ cao) làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tia UVA thông thường sẽ phá huỷ làn da (như các nếp nhăn) và gây ra một số loại ung thư da. Tia UVB làm sạm da và trực tiếp phá huỷ những tế bào da cũng như làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. Vào nhữn ngày mây nhiều, ít nắng hoặc không có nắng thì mức độ UV vẫn có thể rất cao nên bạn đừng chủ quan và lơ là. Tia UV mạnh mẽ nhất trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
6. Như thế nào là ngăn ngừa hợp lý?
Quá trình phát triển của các tế bào ung thư da có liên hệ với những lần da bị ảnh hưởng trực tiếp bởi ánh nắng mặt trời trong quá khứ. Do đó, phải có biện pháp chăm sóc da và chống nắng khoa học và phù hợp ở thời điểm hiện tại. Làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể để ánh nắng mặt trời gay gắt làm bỏng, cháy da. Khi chỉ số UV (UV index) từ 1-2 nghĩa là an toàn với làn da. 3-7 nghĩa là bạn nên mặc áo dài tay, kem chống nắng, nón và kính mắt. Trong khí đó, chỉ số UV từ 8-11 là khá cao và lời khuyên của các chuyên gia là nên ở trong nhà, hạn chế ra đường lúc giữa ngày và trang bị vật dụng chống nắng khi ra ngoài.
7. Lựa chọn chỉ số chống nắng như thế nào?
Nếu khu vực bạn đang sống có chỉ số UV trên 3, bạn cần các loại kem chống nắng có chỉ số SPF > 30. Đối với người lớn, cần một lượng kem chống nắng vừa lòng bàn tay để có thể thoa đều toàn bộ cơ thể (bao gồm, tai, cổ, mặt, tay và chân). Chú ý nên thoa kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà từ 15-30 phút để kem chống nắng hoàn toàn hấp thụ vào da và thực hiện chức năng của nó. Thoa kem chống nắng lại sau mỗi hai giờ đồng hồ hoặc ngay sau khi dưới nước lên. Bên cạnh đó, đừng quên sử dụng kem dưỡng môi có chỉ số chống nắng SPF > 15 để bảo vệ môi.