Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến những lời cảnh báo về việc sử dụng dầu khoáng? Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn sẵn sàng in thông tin “không chứa dầu khoáng” trên nhãn dán bởi lo ngại khách hàng “tẩy chay” với thành phần này. Vậy bạn có biết tại sao thành phần này lại gây tranh cãi hay không? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin dưới đây để có được cái nhìn tổng quan hơn cả bạn nhé.
#1. Dầu khoáng thực chất là gì?
Khi nói đến khái niệm dầu khoáng. Theo chia sẻ của bác sĩ da liễu Karyn Grossman, đây thực chất là một loại dầu không mùi, là sản phẩm phụ của việc chưng cất dầu mỏ để tạo thành xăng.
Tuy nhiên, bác sĩ da liễu Olga Lorencin lại cho rằng, dầu khoáng có nguồn gốc từ dầu mỏ (nhiên liệu hóa thạch) được tạo nên từ cặn bã của thực vật và động vật (sinh vật phù du và tảo) sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong lớp vỏ trái đất. Một khi dầu thô được lấy ra khỏi mặt đất, nó sẽ trải qua quá trình tinh chế để tạo thành dầu khoáng.
Về phía bác sĩ Athena Hewett, dầu thô có thể được tinh chế thành nhiều loại dầu khoáng khác nhau. Trong đó, một số loại trải qua quá trình chế biến đặc biệt sẽ được sử dụng trong mỹ phẩm và chăm sóc da. Điểm chung của sản phẩm này là vô cùng ổn định và có thời hạn sử dụng lâu dài.
#2. Lợi ích của dầu khoáng là gì?
Theo Tara Foley-người sáng lập cửa hàng mỹ phẩm thiên nhiên Follain thì dầu khoáng vốn mang nhiều lợi ích, nổi bật hơn cả là khả năng giữ ẩm và làm mềm da. Do có chứa các phân tử lớn, nó thường nằm trên bề mặt da, tạo nên một lớp bảo vệ, ngăn ngừa làn da khô và mất nước.
Do đây là chất ổn định, cho hiệu quả dưỡng da cao và đặc biệt là cực rẻ tiền. Bởi thế, dầu khoáng đã trở thành một thành phần phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp trong nhiều năm qua.
Cùng với việc xuất hiện trong các sản phẩm dành cho trẻ em, dầu khoáng còn có nhiều trong các loại kem, kem dưỡng thể và thậm chí là cả sản phẩm tẩy trang. Một số lựa chọn nổi tiếng mà bạn dễ dàng tìm thấy gồm Aquaphor Healing Ointment ,Vaseline Jelly Original và Johnson’s Baby Oil.
#3. Tại sao dầu khoáng sản lại gây tranh cãi?
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, chuyên gia thẩm mỹ nổi tiếng Biba de Sousa cho rằng nguyên liệu tạo nên dầu khoáng là nguồn tài nguyên không tái tạo. Khi được khai thác và sử dụng quá mức, nó sẽ làm phá hủy hệ sinh thái, làm tăng ô nhiễm môi trường toàn cầu.
Kèm theo đó, việc chế biến dầu mỏ và dầu thô để tạo nên dầu khoáng còn có thể tiềm ẩn các chất ô nhiễm gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, trước đây có một số nhà sản xuất mỹ phẩm sử dụng nguồn dầu khoáng chất lượng kém, không tinh thiết, có chứa chất gây ung thư đã làm dấy lên những lo ngại về nguyên liệu này.
Tuy nhiên, thời gian đã thay đổi và hiện nay hầu như tất cả các hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc da đều chỉ sử dụng dầu khoáng tinh khiết trong các sản phẩm của mình.
Một vấn đề nữa là khi dầu khoáng nằm trên da, nó chỉ cho khả năng giữ ẩm tạm thời bởi nó không thể thẩm thấu vào lỗ chân lông, không mang lại bất kỳ lợi ích hydrat hóa nào để bổ sung cho da. Hơn thế, dầu khoáng còn có thể tạo nên làn da nhờn bóng, đặc biệt là với những ai có làn da thường xuyên tiết dầu.
#4. Chúng ta có nên tránh sử dụng dầu khoáng hay không?
Có nhiều yếu tố khác nhau mà bạn nên xem xét trước khi cân nhắc nên hay không nên sử dụng dầu khoáng. Điều này bao gồm việc lựa chọn lối sống, loại da, cách sử dụng và kết quả mong muốn đạt được.
Với chuyên gia De Sousa: “Dầu khoáng là lựa chọn dưỡng da an toàn, không gây kích ứng, phù hợp với mọi loại da. Tuy nhiên, nó không giúp nuôi dưỡng da hiệu quả bởi không thể thẩm thấu vào sâu trong da”.
Còn chuyên gia Grossman lại cho biết các sản phẩm từ dầu khoáng là lựa chọn tốt với những ai vừa sử dụng các thủ thuật laser vì chúng có nguy cơ gây dị ứng thấp. Cô chia sẻ thêm: “Chúng tôi sử dụng chúng thường xuyên để hỗ trợ cho việc chữa lành da. Ngoài ra, đây cũng là lựa chọn tuyệt với cho những người bị eczema”.
Foley là một trong những người khuyên bạn không nên sử dụng dầu khoáng và đưa cái tên này vào danh sách những thành phần hạn chế của Follain. Hewett cũng khuyến cáo người dùng về việc sử dụng thường xuyên và cho biết:”Tôi sẽ chỉ sử dụng dầu khoáng trong các sản phẩm kê đơn khi thực sự cần thiết. Thay vào đó, tôi sẽ tìm kiếm thứ gì đó “ít ngột ngạt” và có nhiều tinh chất bổ dưỡng hơn”.
#5. Lựa chọn thay thế dầu khoáng?
Nếu bạn không muốn sử dụng dầu khoáng, bạn vẫn có thể tìm cho mình vô vàn những lựa chọn khác nhau. Từ dầu dừa, bơ hạt mỡ cho đến dầu ô liu…Trong trường hợp bạn muốn tìm kiếm các loại dầu có chứa phân từ lớn hơn để tạo hiệu ứng tương tự dầu khoáng. Bạn có thể tìm đến dầu thầu dầu, dầu bơ và dầu hạt nho. Ngoài ra, sáp ong cũng là một lựa chọn tốt vì nó góp phần tạo ra một rào cản trên da để bảo vệ da tối ưu.
Nếu bạn cảm thấy lo ngại về dầu khoáng, bạn có thể yên tâm bởi thành phần này không thực sự xấu như những gì mà bạn vẫn nghĩ. Điều quan trọng là hãu tìm đến một sản phẩm tốt, đến từ các hãng uy tín để cho hiệu quả chăm sóc da tốt nhất.
Nguồn: Totalbeauty.com